Khi con tuổi teen không muốn dành thời gian cho gia đình- tại sao và nên làm gì?


gia đình quây quần


1. Thiếu niên và tâm lý không muốn ở bên gia đình.

Sếp của tôi, một người phụ nữ thành đạt, quyền lực nhưng vẫn luôn luôn dành cho gia đình, con cái vị trí số 1 trong tâm trí tâm sự về cảm giác buồn bã và lo lắng của mình về con cái

“Mình có 3 đứa con cả trai và gái, đứa lớp 10, đứa lớp 12 và đứa đang học đại học năm 1, nhưng mình cảm giác như chỉ có một mình. Các con của mình không hỗn láo, phá phách hay lười biếng trong học tập nhưng dường như chúng không muốn dành thời gian cho các hoạt động gia đình. Hai đứa nhỏ thì ngoài thời gian học chúng chỉ thích đi với bạn bè hoặc ở trong phòng với máy tính. Đứa lớn luôn viện cớ để không về nhà vào mỗi cuối tuần, nếu có về thì cũng chỉ ngủ hoặc đi chơi với bạn. Có phải chúng không yêu thương bố mẹ, hay cách nuôi dạy của mình có vấn đề??”

Nếu bạn có con ở tuổi vị thành niên, rất có thể bạn thấy bóng dáng gia đình mình, con mình và mình trong lời tâm sự đó. Thực tế là hầu hết các cô cậu tuổi teen đều ít hay nhiều không muốn dành thời gian cho gia đình, cho các hoạt động trong gia đình, ngay cả khi bố mẹ đã nổ lực để dành thời gian quý báu trong cuộc sống bận rộn căng thẳng này để tạo điều kiện cho các hoạt động đó diễn ra.

Con tuổi teen không muốn dành thời gian và tham gia các hoạt động trong gia đình-Tại sao vậy và nên làm gì?

2. Tại sao thanh thiếu niên có thể không muốn dành thời gian cho gia đình?

Khi con chúng ta bước vào tuổi teen, cảm giác mất mát là cảm giác dễ nhận thấy nhất và nó có thể bắt đầu bằng việc bạn chợt nhận ra rằng từ lúc nào con bạn không còn hào hứng với việc dành thời gian cho gia đình và cùng với các thành viên cho gia đình nữa. Cuộc sống bận rộn của cả cha mẹ và con cái khiến cho gia đình ít có thời gian thực sự dành cho nhau, nhưng khi bạn cố gắng sắp xếp để có những buổi tối cuối tuần cùng nhau nấu ăn, trò chuyện hoặc thậm chí là café hay xem film cùng nhau để bù đắp thì con của bạn lại viện cớ để thoái thác hoặc đơn giản là hờ hững từ chối với rất nhiều lý do. Một cảm giác thật hụt hững! Bạn lên kế hoạch cho một chuyến du lịch đắt đỏ, dài ngày và hứa hẹn có nhiều trò khám phá phù hợp với tuổi trẻ nhưng con bạn từ chối với lý do đã có kế hoạch hè với nhóm bạn của nó. Những đứa con đi học xa, bạn mong ngóng những cuối tuần để được gặp con nhưng đáp lại là những lý do học thêm, sinh hoạt ngoại khóa hoặc những buổi về chớp nhoáng rồi đi ngay. Ngay cả khi con về chúng cũng dành thời gian cho bạn bè hoặc đơn giản là ngủ. Một ông bố chua chát nói: “Cho con đi học xa cũng giống như bạn phóng một vệ tinh vào vũ trụ, bạn không còn nhìn thấy nó nữa, chỉ biết nó còn tồn tại bởi theo định kỳ nó gửi tín hiệu về với cùng thông điệp lặp lại - xin hãy chuyển tiền- con cảm ơn”

Làm cha mẹ ai cũng thấu hiểu sự quan trọng của kết nối cha mẹ con cái thông qua những khoảng thời gian dành cho gia đình, cùng làm việc, vui chơi, trò chuyện và chia sẻ cảm xúc với nhau. Nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên được hưởng lợi từ thời gian chất lượng bên gia đình, đặc biệt là việc ăn uống cùng nhau và các hoạt động giải trí. Không dành thời gian cho nhau là mất kết nối và kết nối là điều quan trọng nhất với những đứa trẻ tuổi teen để có thể ngăn chặn, xử lý và giải quyết những rắc rối của chúng, những hành vi dại dột mà chúng có thể gây ra.

Trong hầu hết các trường hợp, thanh thiếu niên không muốn dành thời gian cho gia đình không hẳn là chúng không còn yêu gia đình, không còn yêu bố mẹ, hay chúng ích kỷ, hư hỏng mà nó là biểu hiện của một giai đoạn trong cuộc đời với những lý do thay đổi về cả sinh lý não bộ và tâm lý bình thường ở tuổi teen.

Môi trường gia đình là nơi chán, nhạt nhất

Điều đó không có nghĩa gia đình bạn có vấn đề, bất cứ gia đình nào cũng là nơi “nhàm chán” với thanh thiếu niên. Một cách tự nhiên thanh thiếu niên thường xuyên có cảm giác chán, nhạt đó là bởi lượng dopamine cơ bản (hóc môn hạnh phúc tạo ra sự hứng khởi, thích thú) trong não của thanh thiếu niên rất thấp và chúng cần những cảm giác mới lạ để kích thích sản sinh ra nó.  Vì lẽ đó thanh thiếu niên khao khát điều gì đó khác biệt, điều gì đó thú vị, những trải nghiệm mới lạ, điều gì đó sẽ nâng cao mức độ dopamine thấp hơn một cách tự nhiên trong bộ não đang được xây dựng của họ để vượt qua cảm giác “nhàm chán” cố hữu này. Họ cần phát triển những sở thích mới, tham gia vào các hoạt động mới, những hoạt động có thể không phù hợp với truyền thống và hoạt động của gia đình. Và vì thế họ tìm cách giảm thiểu thời gian tham gia vào các hoạt động gia đình.

Một cách tự nhiên, thanh thiếu niên gặp khó khăn trong giao tiếp với bố mẹ

Có một thực tế là khi con bạn bước vào tuổi teen chúng đột ngột ít giao tiếp với bố mẹ hơn. Đó là điều rất tự nhiên do chúng gặp khó khăn trong việc này bởi não bộ phần sử lý ngôn ngữ đang phát triển và chưa hoàn thiện. Việc tái cấu trúc thần kinh mạnh mẽ có thể khiến thanh thiếu niên cảm thấy bối rối khi giao tiếp. Thanh thiếu niên chưa có vốn từ vựng để diễn đạt những cảm xúc mới mà chúng cảm nhận khi bước vào tuổi dạy thì và những ý tưởng đi kèm với chúng. Thanh thiếu niên có thể cảm thấy họ là những người duy nhất từng suy nghĩ hoặc cảm nhận theo một cách cụ thể, rằng có điều gì đó không ổn xảy ra với họ hoặc không ai có thể hiểu được ngay cả khi họ cố gắng diễn đạt những hỗn loạn và căng thẳng bên trong. Vì lý do đó, ít giao tiếp vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả khiến chúng ít muốn dành thời gian cho gia đình.

Mong muốn độc lập hơn là một phần tự nhiên của quá trình trưởng thành.

Giai đoạn này của cuộc đời được đánh dấu bằng một quá trình được gọi là cá nhân hóa - một phần bình thường của quá trình trưởng thành.

Trong thời gian này, thanh thiếu niên tách mình ra khỏi ảnh hưởng của cha mẹ. Điều này cho phép họ thiết lập sự độc lập và có được ý thức mạnh mẽ hơn về bản thân.

Không có cảm giác an toàn khi ở bên gia đình

Cũng nên nhớ rằng thanh thiếu niên thường cảm thấy không an toàn khi chia sẻ những suy nghĩ hoặc vấn đề đáng xấu hổ, chứ chưa nói đến sai lầm, với cha mẹ mà các em tin rằng sẽ không thể giải quyết được. Trong hầu hết các trường hợp đó sẽ là cái mồi để cha mẹ đưa ra những lời chỉ trích hoặc những bài học nặng nề. Và vì thế đẻ tánh phải trả lời các câu hỏi kiểu thẩm tra hoặc để giảm thiểu việc lỡ lời tiết lộ ra những điều không nên nói, chúng sẽ tìm cách dành thời gian ít nhất có thể cho gia đình

Ảnh hưởng của bạn bè:

Thanh thiếu niên bắt đầu coi trọng sự kết nối của họ với bạn bè hơn. Họ có thể có mối quan hệ tốt hơn với bạn bè, khiến họ dựa vào bạn bè nhiều hơn để được hỗ trợ về mặt tinh thần.

Nhu cầu được xã hội chấp nhận:

Các nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên thường phát triển nhu cầu mạnh mẽ hơn để được hòa nhập và được chấp nhận. Điều này có thể khiến trẻ dành nhiều thời gian với bạn bè hơn là với bố mẹ.

Bạn có thể cảm thấy bị tổn thương khi con bạn nói “không” với việc dành thời gian cho gia đình.

Nhưng mong muốn được tự lập của con bạn không có nghĩa là bạn đã thất bại trong vai trò làm cha mẹ. Sự thay đổi này thường là một phần tự nhiên của hành trình hướng tới tuổi trưởng thành. Tuy thế bạn cần phải biết rằng đây là giai đoạn con cần bạn nhất, cần được kết nối với bạn nhất, cần được thấm đãm trong môi trường gia đình với sự an toàn, sự đồng cảm và sự khôn ngoan, sáng suốt từ những lời chỉ bảo tư vấn của cha mẹ, những người đã trải qua giai đoạn thiếu niên. Và vì thế bạn cần biết khi nào thì cần hành động để cải thiện vấn đề này.

3. Dấu hiệu cho thấy con bạn muốn xa gia đình

Nuôi dạy con cái ở tuổi thanh thiếu niên là một trải nghiệm luôn thay đổi. Khi con bạn bước vào giai đoạn này của cuộc đời, bạn có thể nhận thấy những thay đổi trong hành vi và tương tác của chúng với người khác.

Các chỉ số hành vi báo hiệu con không muốn dành thời gian cho gia đình

- Ưu tiên cho bạn bè để tận hưởng thời gian bên nhau hơn với cha me anh chị em

- Họ thường xuyên ra khỏi nhà cùng bạn bè hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa.

- Họ không muốn bị nhìn thấy đi cùng bố mẹ hay người thân (ví dụ: yêu cầu bạn thả họ xuống cách xa điểm đến của họ một dãy nhà, không thích chụp ảnh cùng bạn, phản ứng khi bạn đăng ảnh hoặc nhắc đến họ trên trang cá nhân của bạn).

- Họ thường xuyên viện lý do để bỏ lỡ những buổi họp mặt hoặc hoạt động gia đình.

- Nhu cầu riêng tư của họ tăng lên (ví dụ, họ thường khóa cửa phòng).

- Họ dành nhiều thời gian hơn để khám phá những sở thích hoặc mối quan tâm mới.

- Những cuộc trò chuyện bạn có với họ rất ngắn gọn và một chiều.

Các chỉ số cảm xúc báo hiệu con không muốn dành thời gian cho gia đình

Bạn cũng có thể nhận thấy rằng cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể và giọng nói của con bạn thay đổi khi chúng ở gần bạn.

Dưới đây là một số dấu hiệu cảm xúc cho thấy con bạn không muốn dành thời gian cho gia đình:

- Ngôn ngữ cơ thể hoặc giọng điệu của họ cho thấy họ không vui hoặc không quan tâm đến bạn (ví dụ: khoanh tay, thiếu giao tiếp bằng mắt).

- Họ có vẻ xa cách hoặc mất kết nối về mặt cảm xúc.

- Xung đột giữa bạn và con bạn ngày càng gia tăng.

- Họ không thảo luận về những suy nghĩ, cảm xúc hoặc những khó khăn của họ với bạn.

- Trong các hoạt động gia đình, họ thiếu nhiệt tình.

Nếu con của bạn có nhiều những dấu hiệu như liệt kê ở trên, đã đến lúc bạn cũng sẽ phải xem xét cách bạn tương tác và nuôi dạy con cái ở tuổi thiếu niên của mình để cải thiện tình trạng đó.

4. Làm thế nào để đưa thanh thiếu niên của bạn vào các hoạt động gia đình

Là cha mẹ, bạn có thể cảm thấy khó chịu khi con bạn từ chối những kế hoạch mà bạn đề xuất. Trong lúc thất vọng, bạn có thể cằn nhằn hoặc chỉ trích họ.

Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với những lời chỉ trích ở giai đoạn này của cuộc đời. Vì vậy, điều này có thể phản tác dụng và khiến họ càng xa cách gia đình hơn.

Thay vào đó, đây là một số điều bạn có thể làm để khuyến khích con mình tham gia các hoạt động gia đình:

Hãy để chúng lên kế hoạch cho hoạt động:

 Bạn có thể để con quyết định xem gia đình nên làm gì. Việc thay phiên nhau lập kế hoạch cho gia đình có thể khiến mọi người cảm thấy được tham gia và gắn kết hơn.

Chọn các hoạt động chúng thích:

Yêu cầu con bạn đề xuất những điều chúng muốn làm. Miễn là đề xuất của họ an toàn và hợp lý, hãy thử.

Nói trước với con về các kế hoạch:

Nếu bạn dự định làm điều gì đó cùng gia đình, hãy cho con bạn biết trước. Hỏi họ xem họ có ngày hoặc giờ ưa thích nào không. Điều này cho thấy bạn tôn trọng thời gian của họ.

Truyền đạt những mong đợi của bạn:

Hãy ngồi xuống và thảo luận về những điều không thể thương lượng với con bạn. Ưu tiên các sự kiện và hoạt động mà chúng nên tham gia và biến điều này thành quy tắc chung cho thanh thiếu niên của bạn. Những điều này có thể bao gồm những việc như tổ chức sinh nhật cho một thành viên trong gia đình hoặc tham gia vào một truyền thống gia đình hàng năm.

Tạo thói quen và truyền thống gia đình:

Cùng nhau làm việc nhà là một văn hóa gia đình cần được xây dựng, giao việc nhà là món quà lớn mà cha mẹ dành cho con. Ví dụ: bạn có thể quyết định đi ăn cùng gia đình vào mỗi tối Chủ nhật hoặc cùng nhau xem phim vào thứ Sáu cuối cùng của tháng. Việc có các hoạt động theo lịch trình và thường lệ có thể loại bỏ áp lực trong việc lập kế hoạch và tạo ra văn hóa dành thời gian cho nhau như một gia đình.

5. Những cách giải quyết việc con bạn không muốn ở bên gia đình

Cách giải quyết khi con tuổi teen không muốn ở cùng gia đình Bạn có bao giờ tự hỏi phải làm gì khi con tuổi teen của bạn cố tình tránh xa bạn không?

Có thể con tuổi teen của bạn đã tự cô lập mình khỏi gia đình hoặc lạnh lùng với bạn mỗi khi bạn nói chuyện với họ. Nhưng bạn cần tự nhắc mình rằng, bất chấp điều đó, đây là lúc chúng cần bạn nhất nhưng với vai trò khác, bạn cần thay đổi vai trò để phù hợp với nhiệm vụ là cha mẹ của trẻ tuổi teen của mình

Không có cha mẹ nào là hoàn hảo. Nhưng vẫn quan trọng cho chúng ta, như là cha mẹ, phải suy ngẫm về cách chúng ta đối xử và giao tiếp với con tuổi teen của mình. Dưới đây là một số lời khuyên về cách bạn có thể nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt hơn với thanh thiếu niên của mình và khuyến khích chúng dành thời gian cho gia đình:

Tôn trọng ranh giới và sự riêng tư của họ.

Con bạn có thể tránh xa bạn nếu bạn vượt quá ranh giới của chúng. Một số ví dụ bao gồm việc đặt quá nhiều câu hỏi, thường xuyên đọc tin nhắn văn bản của họ và không cho phép họ đi chơi với bạn bè.

 Hãy lắng nghe khi họ nói.

 Khi con bạn chia sẻ sở thích, khó khăn hoặc các sự kiện trong ngày, điều quan trọng là bạn phải tích cực lắng nghe. Tránh ngắt lời họ hoặc nói chuyện lấn át họ. Thừa nhận cảm xúc và ý kiến của họ. Điều này sẽ tạo ra một không gian an toàn về mặt cảm xúc cho họ.

Tránh đổ lỗi và xúc phạm hoặc làm chúng xấu hổ

Đừng bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách chỉ trích, đổ lỗi hoặc làm xấu hổ con bạn. Hãy thấu hiểu và đồng cảm khi con bạn kể cho bạn nghe về một vấn đề hoặc thử thách mà chúng đang gặp phải. Hãy giúp họ suy ngẫm về những gì lẽ ra họ có thể làm tốt hơn mà không cần coi thường hoặc khiển trách họ.

Dành thời gian với họ thường xuyên.

Ăn tối cùng nhau hoặc mời họ cùng bạn làm việc vặt, sau đó thưởng thức đồ ăn nhẹ tại địa điểm yêu thích của họ trên đường về nhà. Bạn cũng có thể học một môn thể thao mới hoặc bắt đầu một sở thích mới với thanh thiếu niên của mình.

Ở bên chúng khi chúng cần ngay cả khi chúng không biết là chúng cần bạn.

Khi con bạn cần bạn, hãy ở bên chúng nhiều nhất có thể. Hỗ trợ họ trong các cuộc thi và dành thời gian cho họ khi họ cần một bờ vai để tựa (hoặc khóc).

Điều cần thiết là xây dựng mối liên kết bền chặt với thanh thiếu niên của bạn.

Nghiên cứu cho thấy những thanh thiếu niên có mối quan hệ chặt chẽ với cha mẹ và dành thời gian cho họ thường xuyên sẽ có ít vấn đề về hành vi hơn. Họ cũng ít có khả năng tham gia vào các hành vi phạm pháp hoặc nguy hiểm.

6. Những câu truyện cũng là cách giúp trẻ thay đổi hành vi

Những câu truyện truyền cảm hứng, câu truyện đạo đức gần gũi với tâm lý thanh thiếu niên có thể là cách nhẹ nhàng nhưng rất hiệu quả khi nó chạm được đến trái tim của đứa trẻ. Thì thầm là blog của tôi nơi có thể bạn sẽ tìm được những câu truyện như thế.

Phần kết luận

Một mối quan hệ cha mẹ và con cái lành mạnh cần có thời gian và sự kiên trì để vun đắp. Thể hiện sự đồng cảm và tôn trọng cơ bản bất cứ khi nào bạn giao tiếp với con bạn. Hãy đảm bảo rằng họ cảm thấy như thể bạn đang đối xử với họ như những con người - không phải những vấn đề cần giải quyết hay những dự án cần thực hiện.

Khi bạn xây dựng mối quan hệ bền chặt với con mình, chúng sẽ mong được dành thời gian cho bạn và gia đình!

 Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ với bạn bè

Để nhận thông tin về các bài viết mới, hãy đăng ký theo dõi blog của tôi


Comments

Post a Comment

Hãy để lại ý kiến của bạn tại đây